"Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly..."

(Marco 10:9)

16 tháng 10, 2013

Ám Ảnh (3)


CHƯƠNG 3

"CHIỀU BUÔNG NHẸ XUỐNG ĐỜI 
NGƯỜI TÌNH TÌM ĐẾN NGƯỜI..."

Cô run rẩy tựa vào vai anh bước đi. Sắc mặt nhợt nhạt.

Anh cuống quít sờ trán, đầy lo lắng. Cô lấp liếm: “Chắc hạ đường huyết, không sao đâu anh. Mình về mau, em hơi mệt”.

Cô ngồi vào băng ghế sau. Mệt mỏi tựa vào thành ghế, mắt nhắm nghiền. Anh im lặng cho xe lăn bánh trên đường phố đang ngã màu đêm.

“Chiều buông nhẹ xuống đời - người tình tìm đến người – thấy run run trong chiều phai...”*** – tiếng nhạc rỉ rả thoát ra từ hai bên thành xe, giọng opera cao cao như mắc những nốt nhạc vào khung trời đen.

Cô mở mắt, chống cằm nhìn qua cửa sổ. Xe lao qua lại vun vút, kéo theo nhiều vệt đèn vàng chồng chéo lên nhau. Cô chợt nghĩ, nếu lúc này có trong tay máy ảnh với độ phơi sáng thích hợp, chắc cô sẽ khắc hoạ lên được bức tranh về một thành phố lấp lánh ánh kim, được dệt nên bởi ánh sáng muôn màu của thành thị.

Đèn sương mù uể oải rải ánh sáng nhờ nhờ vào đoạn đường chính, chuẩn bị rẽ vào nhà cô.

Xe dần giảm tốc. Bất giác cô thở dài. Tiếng thở dài nghe hoang hoải. Đèn phố thị đêm nay đẹp quá, đẹp một cách kỳ lạ. Ánh sáng từ đôi mắt cô chạy trốn bao tháng ngày, nay mới chịu gõ cửa trở về. Có lại được thị lực, nhưng bỗng thấy xã hội loài người – cơ bản là, bon chen quá thể.

Cô mở cửa. Ánh nến dìu dịu tỏ khắp gian nhà. Trên chiếc tủ giày, một bình bách hợp trắng toả hương ngây ngây.

Anh đến từ phía sau, ôm cô vào lòng:

- Mừng vợ anh đã khoẻ mạnh. Ngôi nhà này, nhớ em thật nhiều!

Cô mỉm cười, ngã người tựa vào lòng anh, rồi khẽ hôn phớt lên vành tai ấy. Anh ôm ghì cô thật lâu, vùi mặt vào mái tóc dài, rồi dụi nhẹ nơi vùng gáy.

- Anh có chuẩn bị vài món em thích. Em vào thay đồ, rồi mình cùng ăn tối. Anh thấy em còn mệt nhiều, với lại đã ăn đồ ăn bệnh viện lâu rồi, chắc thèm cơm nhà lắm.

Cô sắp xếp sơ đồ vào tủ, rồi trút bỏ y phục, bước vào phòng tắm.

Tấm gương lớn trong phòng tắm soi rõ thân thể người phụ nữ vừa qua ngưỡng ba mươi, căng tràn sức sống. Mái tóc đen dài, thả tán loạn sau lưng, một vài sợi loà xoà phủ hai bên vai. Thời gian nằm viện đủ dài để làn da cô mơn mởn.

Cô đưa tay búi gọn mái tóc, chân vô định bước lại gần tấm gương. Ngón tay trỏ đưa lên, vuốt nhẹ gương mặt đang phản chiếu, cô bật cười:

- Thật lâu rồi, mới gặp lại!

Cô ngắm mình thật lâu. Thời gian bệnh kéo dài quá, tưởng chừng như cô quên mất luôn cả dung nhan của mình. Ánh nhìn thoả mãn. Cái thoả mãn của người đàn bà biết mình đang ở trên thời kỳ xuân sắc nhất, nở rộ nhất và chín mọng nhất. Cái thoả mãn lướt qua đôi chân mày cong cong, vờn qua khoé môi kiêu hãnh, và dừng ở đuôi mắt sắc lẹm. Đuôi mắt của những người đàn bà được sinh ra, chỉ để tự hào về bản thân và để quyến rũ những kẻ khác.

Đôi mắt này, ngày xưa anh từng nói: “Anh như muốn chết chìm vào đáy mắt em. Đáy mắt em đen tuyền và sâu thăm thẳm...”

“Đen tuyền và sâu thăm thẳm...”, sao cơ? “Đen tuyền...”; thể nào cơ? “Đen tuyền...”!?

Cô bấu víu vào kiếng, dùng hết sức trợn trừng mắt, nhìn trân trân vào hình chiếu đối diện mình. Cô chụp vội chiếc khăn, nhúng nước rồi chà như điên loạn lên mặt kiếng. Đến lúc thấy dường như chiếc khăn bị ma sát đến rách vài chỗ nhỏ, đến lúc thấy dường như da lòng bàn tay cũng nóng rẫy. Thì cô buông xuôi, chiếc khăn trượt dài nằm trên mặt sàn.

Một đôi mắt, cũng sâu thăm thẳm, nhưng nâu ánh vàng màu hạt dẻ đang ngây dại nhìn cô!

Một đôi mắt, nâu ánh vàng màu hạt dẻ...

Nâu ánh vàng, màu hạt dẻ...


Đôi mắt xa lạ, như cũng bỡ ngỡ không hiểu như thế nào nó lại bước vào đời cô.

Cô xả đầy bồn nước, dìm mình chìm đến đáy. Và cố định nằm đó. Mặc lá phổi đang muốn biểu tình đòi dưỡng khí.

Đây là điều cô hoàn toàn không hề nghĩ đến trước khi phẫu thuật. Cô không hề nghĩ đến, một màu mắt xa lạ đang tồn tại trên cơ thể mình. Cô chỉ nghĩ đơn thuần, họ sẽ “chỉnh sửa” chút gì đó, nhưng mắt vẫn là mắt của cô, như xưa.

Dưỡng khí trong phổi cuối cùng cũng hết. Cô bừng mở mắt, trồi người lên khỏi mặt nước.

Tiếng anh gõ cửa, báo bữa tối đã sẵn sàng.

Buổi ăn kết thúc khá sớm. Cô bảo mệt, muốn đi nằm. Anh dọn dẹp xong, ngã lên giường thở hơi khoan khoái:

- Vợ anh đã về. Anh mong ngày này đã lâu lắm.

Cô đưa tay luồn vào trong mái tóc ngắn. Mái tóc này, thân thuộc biết bao nhiêu.

Anh choàng tay, ôm cô vào lòng. Mặt anh tựa vào vai cô, cố hít sâu mùi hương quen thuộc. Rồi anh trở người, nằm nghiêng nhìn gương mặt cô hiền hoà, rồi đưa tay vuốt nhẹ theo từng đường nét trên gương mặt cô, vô định.

- Anh, mắt em...
- Mắt em thế nào? Em còn thấy khó chịu?
- Không. Chỉ là...
- Sao vậy em?
- Mắt em màu nâu.
- Màu nâu? Sao lại màu nâu?
- Em không biết. Có thể là do họ cấy ghép một đôi mắt mới.
- [...]
- Màu nâu, là nâu ánh vàng màu hạt dẻ, anh ạ!
- Ừ. Cũng không sao. Vẫn là vợ anh, đâu phải là ai khác.

Anh hôn lên bàn tay cô. Và dùng môi mơn trớn từng đầu ngón tay.

Ngay thời điểm anh vào thật sâu, cô cắn môi ẩn nhẫn. Hơi thở của người đàn ông đang sung sức, rất nồng, rất nhanh. Trên con dốc đi lên đỉnh cao, anh tìm mắt cô, nhìn thật nồng nàn. Nhịp điệu cơ thể đang lên cao bị đánh gãy đột ngột. Anh giật bắn người, đẩy mạnh cô ra.

- Anh! – cô sững sờ, pha lẫn thảng thốt.
- Mắt em... – anh lắp bắp.
- Mắt em thế nào? Anh... quá đáng! - cô muốn nhịn, nhưng giọt nước mắt tự dưng rơi.
- Mắt em... mắt em... anh thấy bóng một người trong đó. Rõ ràng, là một người trong đó. Đúng, rõ ràng là thế!

Anh vừa dứt lời, không khí trong phòng bỗng nhiên đặc quánh, ngột ngạt. Bàn tay cô, được một bàn tay lạnh giá nào đó, mân mê và yêu chiều. Một bàn tay lạnh, và mềm, mượt như miếng thạch đặt trong ngăn mát.

Không khí trong phòng co cụm. Và bàn tay đó, đã buông tay cô, lần tìm về nơi sâu kín.

Cảm giác hụt hẫng lúc nãy như chiếc can rỗng đang được lấp đầy, cứ đầy dần và dâng lên rất cao. Cô mím môi, ưỡn người và bật ra tiếng kêu nhẹ.

Làn không khí mới như từ tiếng kêu của cô mà ùa ra, đánh loãng không gian trong phòng.

Không còn bàn tay. Mà anh thì, chắc đã ngủ từ rất lâu.

--o0o--


*** Bài hát "Serenade" 

15 tháng 10, 2013

Ám Ảnh (2)

CHƯƠNG 2
"HÃY NHÌN ĐỜI, THAY EM"

Cô tháo băng. Ánh sáng xuyên qua, cô thấy mi mắt mình đo đỏ. Thấy mạch máu trên mi mắt chạy nhằn nhịt. Thấy thái dương mình vì căng thẳng mà khẽ rung rung.

Bác sĩ yêu cầu, cô chậm rãi mở mắt.

Hình như cô đang được tái sinh...

Người đầu tiên cô thấy, là anh. Nét mặt anh rạng rỡ như đứa trẻ được có rất nhiều quà bánh. Và là lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm bên nhau, cô thấy anh rơi nước mắt.

Khẽ cười. Cô đưa tay, chậm lên giọt nước đang lăn dài trên gò má của người đàn ông trong đời cô. Người mà vì cô sẵn sàng hy sinh tất cả.

Cô tự nhận thấy mình khó khăn trong việc biểu đạt cảm xúc. Cảm xúc đối với cô như bát canh nhạt, không mặn, không ngọt. Nó ập đến, dù ào ạt đến mức nào - cô đều tiếp nhận và chuyển hoá nó thành nụ cười nhàn nhạt trên môi. Hoặc thảng khi quá buồn, thì nó đơn thuần chỉ là giọt nước mắt lặng lẽ rơi.

Như lúc này cô đang vui, đang rất vui. Vậy mà, niềm vui to lớn ập đến, đi qua những vùng trong não bộ - thì rất nhanh chóng, cô đã chuyển hoá nó thành nụ cười rất nhẹ, vương vất nét ưu tư.

Cô quay qua, nhìn vị bác sĩ chữa trị cho mình. Cô nắm tay ông thật chặt:

- Cháu rất biết ơn, bác sĩ!
- Trách nhiệm của chúng tôi thôi. Cũng nhờ có anh nhà đây hết lòng chăm sóc, vết thương của cô mới mau lành đến thế.
- Vâng...

***Cộp*** - tiếng gõ của đế giày cao gót. Báo hiệu người bước vào phòng.

Cô nhìn ra cửa. Một người chưa từng quen. Nhưng không hiểu sao, vừa nhìn thấy người này, tim cô bất giác nhảy lên một nhịp.

Người phụ nữ trẻ. Tóc lọn búi cao. Bộ âu phục gọn gàng. Người phụ nữ không chào ai, và không hề tỏ ra quen biết ai. Đi nhanh vào phòng, mặc mọi người sửng sốt. Bước đến bên giường, đứng cạnh cô. Cô chưa định hình được mình sẽ phản ứng thế nào, thì người phụ nữ đó đã nâng cằm cô lên, nhìn thật sâu vào đôi mắt cô, và buông lời thảng thốt: “Đôi mắt này... ánh mắt này... đúng là em, là em!”.

Cô sững người. Tất cả mọi người trong phòng cũng đóng băng.

Bất giác, người phụ nữ xiết cô vào lòng: “Hãy nhìn cuộc đời, thay em ấy!”, rồi quày quả bước đi.
Cô thảng thốt đến buông thõng đôi tay: “Hãy nhìn cuộc đời, thay em!”. Câu nói của đêm lạnh giá bất chợt ùa về.

EM ẤY! EM ẤY! LÀ AI? LÀ AI?

Anh hoảng hốt đến bên cô, ôm cô vào lòng. Nhìn ánh mắt, anh biết cô đang rất sợ hãi.

Thoảng trong không gian, một mùi nước hoa rất thanh thoát. Vô thức, cô đưa tay lên vuốt bờ vai mình, như muốn tìm lại chút hơi ấm từ thân thể vừa ôm chầm lấy cô lúc nãy. Đến lúc sực tỉnh, cô nhận ra tay mình vẫn còn đặt ở trên vai.

Tuy nhiên, rất nhanh chóng, cô định thần lại và chuẩn bị đi tái khám. Nếu mọi thứ tốt đẹp, chiều nay cô đã có thể về nhà.

Chưa bao giờ cô mong về nhà như lúc này. Đã quá nhiều chuyện kỳ lạ xảy ra, từ khi cô ra khỏi phòng phẫu thuật.

Cô loay hoay thu dọn đồ. Anh ra ngoài làm thủ tục xuất viện. Trời cũng nhá nhem chiều. Thu dọn xong hết, cô ngồi trên ghế, cầm tách trà nóng và lơ đãng nhìn qua cửa sổ. Trời tim tím, những cánh chim lao xao. Lâu, đã lâu lắm rồi cô không được lưu vào tầm mắt mình một khung cảnh bình yên như thế.

***Cộp***, tiếng giày cao gót gõ xuống mặt sàn.

Người phụ nữ trẻ, vẫn tóc lọn búi cao và bộ âu phục gọn gàng. Lúc này, thì không cần phải chào ai.
Người phụ nữ nhanh chóng đi đến, quỳ một chân bên cạnh cô, không đợi cô phản ứng; lại nâng cằm cô lên và nhìn thật sâu vào đôi mắt: “Đúng là ánh mắt này... đúng là em. Em vẫn còn nơi đây. Phải không em!”.

Cô không bị hoảng hốt. Nhưng hành động của người phụ nữ này quá bất ngờ. Cô định thần, đẩy người phụ nữ ra:

- Chị là ai?
- Tôi... tôi...
- Chị không nói được, tôi gọi bảo vệ.
- Đừng. Xin cô. Xin cô giữ lấy danh thiếp của tôi. Chỉ mong cô giữ lấy danh thiếp của tôi. Rồi khi cô có thể mở lòng, cô có thể liên hệ với tôi. Tôi chỉ mong một tháng một lần, tôi có thể đến gặp cô, để được nhìn sâu vào đôi mắt này. Tôi chỉ mong như thế.
- Tại sao? Ít ra chị phải cho tôi biết rõ lý do?
- Rồi cô sẽ biết. Chỉ mong cô suy nghĩ thật kỹ, và cho tôi cơ hội mỗi tháng gặp cô một lần. Tôi chỉ cần như thế thôi. Tôi hứa không làm gì ảnh hưởng đến cô. Đến cuộc sống của riêng cô.
- Tôi... nhưng tôi phải biết được lý do. Chị phải cho tôi biết lý do.

Cô chưa kịp dứt câu. Người phụ nữ trẻ lại quày quả quay đi. Vương lại trên bàn tấm danh thiếp màu xanh.

Cô cầm lấy, đọc kỹ từng chi tiết. Rồi bỗng chốc thở dài, quay đầu tiếp tục ngắm cảnh ngoài cửa sổ. Tay vẫn mân mê chiếc danh thiếp trong vô thức. Cái tên này, xa lạ quá... vậy sao tim lại nhói nhẹ từng cơn? Thật tình, là xa lạ lắm...

Anh bước vào. Vừa nghe tiếng chân anh, cô lính quýnh dấu danh thiếp vào bóp cầm tay. Phản xạ rất nhanh, và hành động rất vô thức. Trên nét mặt cô vương chút bối rối, như vừa làm gì đó lén lút sau lưng anh.

Anh đỡ cô đi xuống cầu thang. Bỗng cô sực nhớ mình bỏ quên quyển sách trên bàn, nên bảo anh đứng đợi rồi đi lên lấy. Quyển sách còn đó, nằm trên bàn trà kế cửa sổ. Vừa cầm quyển sách trên tay, cô xoay người chuẩn bị bước đi; thì giọng nói kia lại vang vọng: “Ta toan giận dỗi xa đời – Chợt hay: khăn liệm quanh người vẫn thơm!” – tiếng nói không xa, không gần, không thật, không giả... cứ như tiếng gió lào xào bên tai cô. Cứ vừa dứt câu lại âm vang vọng lại.

Một làn hơi lạnh chạy dọc xương sống, cô cố sức bước nhanh ra khỏi phòng, không dám quay đầu lại. Vừa qua góc khuất hành lang, một lực hút vô hình bắt cô ngoáy lại. Người con gái đêm nào đứng nơi đầu giường, đang tựa hành lang dõi theo bước cô đi.

Rồi sau đó, cô cảm thấy đoạn đường từ hành lang đến chỗ anh đang đứng, gần như xa bất tận!

--o0o--

Ám Ảnh (1)

Ngày viết: 14/10/2013
Tác giả: khoanhkhacvothuong_hxr (Jackie Van)
Lời tựa:
Viết - cho một nỗi “ám ảnh” của riêng tôi!
Câu truyện này được lấy cảm hứng từ 4 câu thơ cuối trong bài thơ:

TƯỞNG CHUYỆN NGÀN SAU
(Hồ Dzếnh)
"Nằm đây tưởng chuyện ngàn sau,
Lung linh nến cháy hai đầu áo quan
Gió lìa cành lá không vang
Tin ta vĩnh quyết trần gian hững hờ!
Bao nhiêu dáng ảnh tôn thờ
Xa nhau lâu quá bây giờ lạnh nhau
Người về gối rét, nằm đau
Nghe trên thước đất phai màu nhớ thương
Chiều nào mây vọng hồn chuông
Ngừng đôi chân kẻ trên đường mải mê
Nghe tin ta lỗi câu thề
Nghìn thu xa vắng, ra về trước ai
Ngậm ngùi nhớ trắng rừng mai
Cảm thương sông nước, ghi bài điếu tang
Ngựa gầy bóng gió mênh mang
Cờ đen lối cũ, cây vàng nẻo xa...
Ta nằm trong ván trông ra
Tủi thân vì thấy người hoa vẫn cười!
Ta toan... giận dỗi xa đời
Chợt hay: Khăn liệm quanh người vẫn thơm!
Nát thân, không nát nỗi hồn
Lẫn trong cái chết vẫn còn cái đau."
---
CHƯƠNG 1
"TA TOAN GIẬN DỖI XA ĐỜI"

Đêm thứ nhất:

“Ta toan giận dỗi xa đời
Chợt hay: khăn liệm quanh người vẫn thơm!”***

Cô khẽ cử động bàn tay. Tiếng ai đó vang vọng bên tai đánh thức cô dậy sau một giấc ngủ dài, một tiếng vọng đến từ nơi xa lắm.

- Em đã tỉnh? Hay quá, để anh gọi bác sĩ! – Giọng nói này thì quen thuộc hơn bao giờ hết.

Tiếng mở cửa, đóng cửa. Chừng mười phút sau – cô ước lượng thế - tiếng chân gấp gáp của khoảng ba người bước nhanh vào phòng.

- Bác sĩ, vợ tôi thế nào?
- Tiếng đáp: Chị nhà rất ổn. Anh yên tâm. Ở phòng hồi sức thêm hai ngày nữa là có thể ra phòng ngoài. Vừa hết thuốc mê, có thể sẽ đau một chút. Y tá sẽ mang thuốc vào sau.
- Vậy cám ơn bác sĩ. Khi nào có thể mở băng được?
- Nếu tiến triển tốt, trong vòng một tháng là có thể tháo băng và sinh hoạt lại bình thường.
- Vâng, cám ơn bác sĩ.

Tiếng bước chân rời đi, tiếng mở và đóng sập cửa.

Anh nắm tay cô, ân cần:

- Em thấy thế nào? Có muốn ăn gì không?
- Không. Em mệt. Em sẽ ngủ thêm chút nữa. Anh cũng nghỉ thêm đi.
- Ừ. Thôi em ngủ. Cần gì cứ gọi anh.

Cô không ngủ. Nhưng mỏi mệt nằm đó. Thuốc vừa tan, để lại cảm giác rã rời lan rộng toàn thân. Với tình trạng cô hiện tại, thức hay ngủ, xung quanh cũng chỉ là một màn đêm bao phủ.

Căn bệnh đến quá đột ngột, vội vàng tước đi ánh sáng của đôi mắt cô, ngay cả khi cô chưa kịp nhận thức ra nó. Giống như giấc ngủ đột xuất giữa trưa, mới đây thôi, sự việc còn bình thường. Nhưng nhắm mắt, mở mắt, cô thấy mình lạc loài ra khỏi thế giới đầy màu sắc xung quanh. Một bóng mờ, rất nhỏ, rồi cảm giác nhức nhối, rồi bóng đêm về. Và giờ này, cô nằm đây, trong phòng hậu phẫu của chuyên khoa mắt. Đôi lúc, có những điều trong cuộc sống, đến và đi, nhanh đến mức người ta không kịp thốt lên ngỡ ngàng.

Dải băng buộc quanh đầu xiết hơi chặt, làm cô thấy tức tối.

Những ngày dài sống với bóng đêm không nhanh không chậm qua đi. Cho đến một buổi tối trời hanh hao, anh nắm tay cô rồi nói: “Đã tìm được người hiến tặng rồi em ạ. Ngày mai anh đưa em nhập viện, rồi chắc chắn em sẽ mau chóng khoẻ lại. Cứ yên tâm!”. Cô yên lặng ngã đầu vào vai anh, khắc khoải.

Thuốc giảm đau có tác dụng. Cô lại thiếp dần đi.

Đồng hồ tíc tắc xoay. Máy điều hoà rì rào âm thanh đơn điệu.

Cô giật bắn người, ngồi bật dậy. Tiếng một ai đó cứ ong ong bên tai. Không phải tiếng anh. Trong phòng này, còn ai nữa?

Quờ quạng, cô tìm được tay anh, nắm chặt. Anh ngủ rất say, nên không hay cô bị giật mình.
Anh đang ngủ? Vậy là ai?

Trong lồng ngực cô, nhịp tim vẫn đang nhảy loạn. Lâu lắm rồi cô mới có cảm giác sợ sệt đến thế. Nhất là khi xung quanh cô vẫn đang là bóng đen bao trùm.

Cô lay tay anh, bảo muốn uống nước. Anh bật dậy, vội vàng đút cô ít sữa. Tay anh lau vội cho cô giọt mồ hôi còn đọng ở trán.

- Em thấy nóng sao? Hay anh hạ nhiệt độ thêm ít nữa?
- Không, em... chắc tại thuốc. Anh mệt lắm không?
- Không, anh không sao. Em ăn chút gì nhe, còn uống thuốc nữa.

Không đợi cô trả lời, anh tất tả đi lấy chén cháo bỏ vào microwave.

- Anh này...
- Sao em? Em cần gì? Có muốn đi vệ sinh không?
- Không. Phòng này, mình có nằm chung với ai nữa không anh?
- Không, anh lấy phòng này cho em thôi. Nằm chung, chật chội và dễ nhiễm trùng lắm.

Nơi này chỉ có cô và anh, không... không có một ai khác? Vậy giọng nói vừa rồi, là của ai? Một giọt mồ hôi chợt lăn dài trên sống lưng cô.

Đêm thứ hai:

Cô thiêm thiếp ngủ. Thuốc chưa tan hoàn toàn. Cảm giác thật ngầy ngật. Cô khẽ trở mình, tay rớt ra khỏi chăn. Làn gió lạnh phả ra từ điều hoà vuốt thật ngọt lên cánh tay trần.

“... khăn liệm bên người vẫn thơm!”
“... bên người vẫn thơm!”

Cô rụng rời. Một bàn tay rất lạnh, đang mơn man những ngón tay cô, vân vê ở khớp tay và rồi đan từng ngón tay vào bàn tay cô, xiết nhè nhẹ. Và giọng nói cứ lặp lại bên tai cô một câu thơ: “... khăn liệm bên người vẫn thơm”.

Toàn thân cô như được ướp vào chậu nước đá thật to, thật lạnh. Lạnh đến tím mặt, bầm da. Lạnh đến chừng cô thấy máu trong toàn thân bị đóng băng, và hơi thở như dần bị tước đoạt đi. Còn câu thơ, vẫn thản nhiên vang vọng: “Ta toan giận dỗi xa đời... xa đời...”.

Cô ngất đi vì choáng váng.

Tỉnh dậy. Đầu ong ong nhức.

Bàn tay thô ráp sờ lên trán cô. Là anh. Từ ngày bị đoạt mất ánh sáng, cô mẫn cảm dị thường với mọi thứ xung quanh.

- Em sốt cao quá. Lúc nãy bị mê man. Bác sĩ vừa chích thuốc cho em. Em ngồi dậy ráng ăn một ít, rồi anh đút thuốc em uống.

Cô chống tay vào thành giường, nặng nhọc ngồi lên. Đồ ăn không chút mùi vị trôi tuột vào cuống họng. Cô không màng gì đến xung quanh nữa. Trong đầu chỉ vần vũ một câu hỏi: “Bàn tay đó, giọng nói đó, LÀ AI!?”

Những đêm sau:

Cô khoẻ nhiều. Và không còn nghe giọng người đọc hai câu thơ đó nữa. Nhưng tốt nhất vẫn là, không còn bàn tay lạnh giá nào nắm chặt tay cô, khiến cô rơi vào hoảng loạn như đêm trước.

Mọi thứ đến, và đi. Không hề báo trước. Cũng có thể, đi... để rồi lại đến!

Đêm cuối cùng ở bệnh viện:

Qua đêm nay nữa thôi. Sáng mai cô được tháo băng, nếu tốt, thì có thể về nhà. Thật hay!

Tâm trạng cô đã khá dần lên theo tình trạng sức khoẻ.

Đêm, cô tựa vào thành giường. Anh ngồi kế bên, đọc cô nghe quyển sách mà cô thích nhất: “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Đến khúc cha Ralph tìm đến hòn đảo gặp Meggie, họ trao nhau tất cả, thì bỗng anh ngưng đọc.

- Sao thế anh?
- Trong quyển sách có tờ giấy rớt ra. Chữ lạ quá, không giống chữ của em.
- Tờ giấy có ghi gì không?
- Có, vài câu thơ.
- Anh đọc em nghe thử!

- “Ta toan giận dỗi xa đời – Chợt hay: khăn liệm quanh người vẫn thơm...”. Hai câu cuối mờ quá, anh đọc không ra. Thơ gì buồn thế, mà chữ ai lạ quá. Quyển sách này có bao giờ cho ai mượn đâu?

***Xoảng*** - chiếc ly trên tay cô rơi thẳng xuống đất. Hai câu thơ, hai câu thơ đó... Từng chữ được anh đọc ra, như chiếc máy hút gió, hút cạn không khí trong phổi cô. Hút cạn trơ đến đáy.

Cô váng vất, từng chữ một như búa tạ đóng thẳng vào đâu. Rồi cô lịm đi.

Tiếng alarm của điện thoại reo. Anh đâu? Sao không tắt?

Cô khẽ gọi: “Anh. Điện thoại reo kìa! Anh...”

Không tiếng hồi vọng.

Cô khẽ gọi lần nữa: “Anh ơi, tắt điện thoại đi anh...”

Không tiếng hồi vọng.

Điện thoại im bặt. Không gian đặc quánh lạ thường. Rồi một bàn tay, bàn tay lạnh. Khẽ vân vê, miên man, rồi đan xiết.

- “Anh...” – cô la lên, thật lớn.

Vẫn không tiếng hồi vọng. Cô bất lực trong nỗi sợ hãi của chính mình. Không khí trong phòng như rét buốt.

Một đôi tay cẩn trọng dìu cô nằm xuống. Cô líu quíu nương theo lực đang dìu đỡ sau lưng. Không phải tay anh, không phải bàn tay thô ráp đó. Không phải đôi tay chai sần hay xoa lưng cô hằng đêm. Là tay ai? Tay ai?

Bỗng dưng cô thấy trước mắt lờ mờ ánh sáng. Tia sáng yếu ớt. Nhỏ nhoi thôi. Nhưng đủ để cô thấy bóng hình một người đang tựa nơi đầu giường. Nhân dạng mờ ảo, nhưng đủ nhận ra: là một cô gái.

- “Anh, anh ơi...” – cô lắp bắp trong vô vọng.

Rồi bên tai, giọng nói rất êm đềm: “Hãy nhìn đời, thay em!”. Giọng nói... giọng nói của người đọc hai câu thơ. Là giọng nói đó!

Không gian chợt bùng mở. Không khí loãng ra. Hai tai cô đồng loạt tiếp nhận tiếng đồng hồ tích tắc, tiếng máy lạnh rì rì, và cả tiếng alarm inh ỏi.

- “Anh...”
- Anh đây, anh mới ra ngoài mua đồ ăn. Xin lỗi em, anh vô tình cài alarm mà quên mất. Làm em giật mình.
- Anh...
- Em, em sao vậy? Mặt em xanh quá. Em mệt thế nào? Sao đổ mồ hôi lạnh thế kia?
Anh, trong phòng, còn ai không anh?
- Đâu có ai. Em sao vậy? Sao hỏi lạ thế?
- Em... em mệt quá. Anh lấy thuốc an thần giúp em.

Cô biết, đêm nay không có thuốc an thần, cô khó mà chống lại nỗi sợ hãi vô hình đang vây quanh.
Không. Đó không hẳn, không hoàn toàn là sự sợ hãi. Mà xen trong đó, rất rối ren, hình như là niềm thương cảm.

“Hãy nhìn đời, thay em...!” – vì sao tôi phải nhìn đời thay em? Em là ai? Là ai?

--o0o--

26 tháng 5, 2010

Vẫn cần ký ức (01)

Tác giả: khoanhkhacvothuong_hxr (Jackie Văn)
Ngày viết: 10/05/2010
[Dù muốn chối bỏ... dù muốn quay đi... Nhưng, xin hãy nhớ: Mỗi con người, ai cũng cần có một quá khứ để nhìn lại và để biết rằng, ta đã từng tồn tại!]
------
I. THÀNH CÔNG

Enter – [Processing...] – DONE!

Màn hình xanh nhấp nháy báo hiệu kết thúc quá trình mã hóa. John rú lên cười man dại. Thành công, phải, cuối cùng ông đã thành công. Một công trình nghiên cứu dài đăng đẵng hàng chục năm, ngốn đi số tiền lên đến hàng tỷ mỹ kim, cuối cùng cũng đã thành công. Nhà bác học đạp ngã chiếc ghế, đứng bật dậy, múa may quay cuồng. Nghiên cứu của ông, cỗ máy của ông, từ ngày hôm nay sẽ được công nhận, sẽ được bố cáo rộng rãi, và sẽ được phục vụ cho nhân loại như ông từng ấp ủ, mơ ước. Cỗ máy giúp con người xóa đi kí ức; xóa đi một phần của miền nhớ và giúp người đó quên đi những điều họ muốn quên, trả bộ não về trạng thái rỗng để lưu trữ mọi điều sắp xảy ra, chứ không phải đã đi qua.

John lẩm bẩm như kẻ đã hóa điên: “Thành công sao? Thật sự đã thành công sao? Mơ? Không... ta không mơ!” rồi bật cười rũ rượi. Mái tóc còn lơ thơ vài cọng bạc trắng của ông rung khẽ theo từng nhịp cười, tưởng chừng chúng sẵn sàng bỏ ông đi bất cứ lúc nào có thể.

John lại tiếp tục rì rầm với chính mình: “Thử! Đúng... ta cần phải thử! Ta phải thử để chắc chắn đã thành công mỹ mãn. Ai? Sẽ là ai đây? Ta... không, ta phải ngồi đây điều khiển chiếc máy này. Và ta đã quá già để liều mình vào cái thử nghiệm mới, chưa chắc sẽ tốt đẹp. Ta cần, cần một người khác. Một người...”
Nhà tù quận Cam.

Những tia nhìn hằn học. Những nụ cười nhăn nhở. Những hình xăm trổ nổi bật trên da. Những gương mặt bất cần đời. Những kẻ sống trong lớp bùn nhơ nhớp của xã hội.

John cần, cần một kẻ đã buông rơi quá khứ và không sợ mất tương lai. Một kẻ máu lạnh, khinh thường cái chết và không thiết tha hiện tại. Một kẻ đã bán linh hồn cho quỷ dữ bằng cái giá rẻ mạt không mua nổi bữa ăn tồi tàn. Phải, John cần, cần một người như thế.

Viên cảnh sát dẫn ông đi dọc qua các song sắt, rồi dừng lại nơi cánh cửa ở cuối hành lang. Một góc khuất tối tăm, dường như lâu lắm ánh mặt trời là thứ xa xỉ; và hơi gió là thứ cao sang chẳng thèm ghé mắt đến thăm chốn nhơ nhớp, dành riêng cho con người sắp đi về cửa tử.

- Mày, ra đây! – viên quản ngục đập mạnh cửa sắt.

Ánh nhìn sắc lạnh lóe lên cùng một cái quay đầu hờ hững. Mất vài phút, John mới nhận ra kẻ ngồi thu mình trong góc là một cô gái. Bộ đồ phạm nhân nhàu nhĩ, mái tóc dơ bẩn rối nùi, cùng đôi mắt vô hồn nhìn trừng trừng vào hai kẻ mới đến. Thoắt nhiên, John khẽ rùng mình. Đứa tội phạm chậm rãi đứng dậy, lững thững bước đến.

- Cô, tên gì? – John hỏi.

- Mày có mở miệng ra không? Nhờ quý ông đây mà mày mới thoát khỏi cái chết, còn không mau cạy hai hàm răng và phun ra tên của mày. Mau, đồ khốn khiếp! – người cảnh sát giơ dùi cui, dí vào mặt nữ phạm.

- Ann! – tiếng đùng đục, tựa như tiếng hai thanh gỗ mục va vào nhau, rồi chìm lỉm vào âm thanh nhốn nháo của nhà tù, chỉ vừa kịp cho John ghi nhớ.
(To be cont.)

3 tháng 5, 2010

Lì xì đỏ


Mỗi lần Tết đến, như bao đứa trẻ khác, con luôn hân hoan nhận bao lì xì đỏ từ tay ba mẹ. Màu đỏ rực rỡ của phong lì xì luôn theo con trong từng giấc mơ trẻ thơ. Con nhớ hoài những buổi sáng mùng Một, hai chị em tranh nhau chúc Tết để được ba mẹ dặn dò khi bước sang tuổi mới, rồi ríu rít cầm ít tiền mừng mua thêm cho mình chút quà bánh. Niềm vui giản dị của mùa xuân chưa bao giờ đong đầy hơn thế.

Ngày qua ngày, con lớn dần và đi xa vòng tay của gia đình. Nhưng niềm háo hức được chúc Tết chưa bao giờ phai mờ theo năm tháng. Con luôn rạo rực mỗi khi mặc áo mới, nghiêm chỉnh khoanh tay mừng tân niên người lớn, rồi nghe ba mẹ dạy dỗ ít điều khi con đã trưởng thành hơn năm cũ. Với gia đình chúng ta, gia đình còn mang đậm truyền thống Trung Quốc, màu đỏ của bao lì xì còn mang ý nghĩa trừ tà, xua đi những điều không hay sẽ xảy ra trong cuộc sống, nhằm mở đầu một năm mới suôn sẻ, may mắn. Món tiền mừng tuổi không nhiều, nhưng nó được đo bằng niềm vui của con trẻ khi đưa tay đón lấy.

Giờ đây, con đã lớn hơn; lớn như câu nói của mẹ: “Sắp lập gia đình mà còn đòi tiền mừng tuổi là sao đây?”. Chính lúc ấy, con giật mình nhận ra, con đã lớn thật rồi sao? Con đã lớn qua nếp nhăn in hằn trên đuôi mắt mỗi khi mẹ cười; con đã lớn qua màu bạc hiện rõ dần trên mái tóc ba. Và con đã thành một thiếu nữ cận kề lứa tuổi thành gia lập thất. Con nghe nói, khi có gia đình, con sẽ không được nhận lì xì từ ba mẹ nữa. Vì khi đó, con đã thành người phụ nữ của riêng một gia đình khác. Và cũng chính vì khi đó, con sẽ nhận được phong lì xì khác; đánh dấu sự chuyển giao giữa một thiếu nữ thành một người phụ nữ của mái ấm riêng tư, một hồng bao chứa đựng nhiều và nhiều sự chúc phúc lành hơn nữa từ ông nội của con. Một phong lì xì “cuối cùng” cho tất cả; để con biết rằng từ nay về sau, cuộc sống con sẽ lật sang trang mới, với gánh nặng và trách nhiệm lớn lao hơn mà con phải gánh vác, cũng như chia sẻ cùng người sẽ cùng con đi trọn quãng đời còn lại.

Một người chị trong dòng họ vừa đám cưới, chị khoe rằng đã nhận được tiền mừng của nội để lại. Chị chững chạc trong phong thái của người phụ nữ đã có chồng. Cách chị nói chuyện già dặn hơn, tự hào về vai trò của mình hơn, và mong ước nhiều hơn… Ánh mắt chị rạng rỡ niềm vui, để con chợt chùng lòng rồi bật lên tiếng nói: “Chắc em không bao giờ nhận được phong lì xì ấy!”. Một khoảng lặng vô tình rơi vào giữa không gian.

Màu đỏ… màu đỏ… con không thích màu đỏ hiện diện xung quanh con trong sinh hoạt đời thường. Nhưng con thích màu đỏ rạng ngời nơi bàn thờ làm lễ cưới. Con thích màu đỏ ôm ấp thân con, trên tà áo dài mẹ sẽ may ngày con gái của mẹ lạy xuất giá vu qui về nhà chồng. Ngày còn bé con từng mơ, con mơ về tà áo dài ấy, rồi sẽ được quì xuống bên bàn thờ gia tiên tự tay con trang trí, với màu đỏ chan hòa làm nổi bật lên chữ song hỉ lấp lánh ánh vàng, và cặp đèn cầy long phụng cũng tấu lên nhịp hỷ sự trong ngày trọng đại của riêng con. Con đã từng mơ…

Để ngày hôm nay, con vẫn nuôi cho mình giấc mơ ấy. Nhưng trong mộng ước của ngày đám cưới, đã không còn thấp thoáng bóng dáng của người đàn ông nào đó – người mà con sẽ gọi là chồng. Trong ước muốn ngày hôm nay, con thấy người bạn đời sóng bước cùng con, người ấy cũng thật thướt tha trong tà áo dài đỏ… Cũng khung cảnh ấy, cũng bàn thờ gia tiên ấy, cũng lễ vật ấy, con và người phụ nữ của đời mình đang cùng nhau trải qua giây phút thiêng liêng của đời người con gái. Giây phút chứng nhân cho tinh thần của chúng con cùng giao hoà thành một, giây phút cả hai gia đình cùng công nhận chúng con chính thức thuộc về nhau. Và mẹ sẽ rơi nước mắt khi trao cho con phong lì xì “cuối cùng” của đời con trẻ. Một giấc mơ mà tim con luôn đập rộn ràng khi nghĩ đến… một giấc mơ, phải… chỉ là một giấc mơ.

Đoạn đường con đã đi qua, phần nào cho con hiểu rằng cuộc đời không bao giờ dễ dàng ban cho chúng ta điều mình ao ước. Vì không dễ dàng, nên con tập cho mình cách nhìn thực tế hơn. Không còn ngày vu quy; không còn lễ xuất giá; không còn tà áo dài cưới chính tay mẹ may; không có đêm cuối cùng mẹ chải tóc cho con rồi dặn dò Công, Dung, Ngôn, Hạnh khi đi về bên ấy; và… cũng không còn bao lì xì đỏ cho riêng con. Con ép mình thôi mơ ước, mà chỉ cầu mong sao mẹ chấp nhận chúng con về chung một nhà. Chỉ ước ao sao chúng con có thể danh chính ngôn thuận như bao người khác khi ra mắt hai bên gia đình. Và chỉ mong sao mẹ thương yêu người phụ nữ của con như con của mẹ. Một mong mỏi thực tế, nhưng cũng không kém xa vời. Chỉ vì chúng con yêu nhau bằng tình yêu của hai người con gái.

Không còn áo dài đỏ, không còn soare trắng; không còn lì xì đỏ, và cũng không còn lời chúc phúc của Cha. Điều duy nhất còn lại nơi đây là niềm vui của con khi mẹ thôi buồn, dù con đã không mang lại cho mẹ điều mẹ luôn trông chờ, hy vọng. Chỉ còn lại nơi đây là sự chấp nhận của mẹ cho chúng con yêu nhau, như bao cặp tình nhân khác. Dù không danh chính ngôn thuận, dù không dạm hỏi và kết hôn, dù không… không có cả mơ ước của con ngày bé thơ. Con vẫn vui vì mẹ đã thuận lòng cho con được sống với đúng bản thân của mình; và chấp nhận người bạn đời của con như một phần trong gia đình chúng ta.

Dù bao nhiêu điều rất hiển nhiên phải có cho một người phụ nữ, con không đạt được; dù con muốn biết bao nhận được phong lì xì của nội, để nhắc nhở chính mình rằng con đã có gia đình riêng. Nhưng… con hạnh phúc với điều mình đang có.

Giờ đây, chúng con cùng nhau quỳ dưới chân Chúa, cầu xin Người ban phúc cho sự kết hợp trong tình yêu của chúng con; và trên hai bàn tay trái, đã có đôi nhẫn chứng nhân cho sự hòa quyện của hai tâm hồn đôi trẻ. Chúng con tự nguyện thuộc về nhau, gắn bó lẫn nhau và chia sẻ cho nhau mọi điều vui sướng cũng như khó khăn trên quãng đời sắp tới. Tuy ở nơi đây, chỉ có đấng thiêng liêng chứng kiến cho chúng con; nhưng con tin rằng, đây là thánh ý, và chúng con sẽ được ban sức mạnh để vượt qua mọi sóng gió, chia ly.

Con thật lòng muốn thưa cùng mẹ, con gái của mẹ đã trưởng thành, sẵn sàng cho chặng đường xây dựng hạnh phúc của riêng mình. Chỉ mong thêm một lần mẹ thật sự chấp nhận danh nghĩa chính thức của chúng con…
khoanhkhacvothuong_hxr (Jackie Văn)
02/05/2010