"Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly..."

(Marco 10:9)

10 tháng 6, 2009

Mùa nước lớn

Tác giả: khoanhkhacvothuong_hxr (Jackie Văn)

Hoàn thành: 10/06/2009

Em như gái đã có chồng
Như chim vào lồng, như sáo sang sông
Sáo sang sông,
Trời mênh mông lồng lộng!
Cá lội ngược dòng,
Như nỗi lòng
Chị mãi ngóng trông...

Khi mực nước ngấp nghép cái mặt cầu bắc thoai thoải ở mé sông, mang theo từng dề lục bình tấp kín dưới chân cầu, cản trở đò ghe vô cập bến... thì người ta biết chẳng bao lâu nữa thôi, từng đàn cá linh sẽ ào ạt đổ về từ biển Hồ rộng lớn, báo hiệu một mùa nước lớn đang về.

Thường như mọi năm, mùa này với San chẳng có gì đặc biệt. Ừ, thì có gì đâu đặc biệt? Ở cái miệt heo hút này, đối với nó chỉ đặc biệt khi có gánh hát cải lương về dựng rạp ở đầu xóm. Có mấy bận đó, nó mới được nghe đàn ca hát xướng, rạp hát xanh đỏ đủ màu, tha hồ thả hồn tưởng tượng theo Thoại Khanh - Châu Tuấn, theo Thái Hậu Dương Vân Nga... Nhưng nó thích nhứt tuồng Lan và Điệp. Tuồng này lâu lâu mới diễn một lần, mà lần nào coi xong nó cũng buồn thỉu buồn thiu. Nó nhủ thầm trong bụng: "Thương chi mà thương bạo. Hổng biết có ai thương mình như cái cô kia thương ông nọ hông nữa? Xem chừng lúc chết mà được bên nhau vậy, mãn nguyện lắm chứ chơi à!?". Thắm thoát, từ lúc bé San biết mơ mộng tình yêu như Lan, như Điệp đến tận bây giờ, cũng đâu đã mấy chục con trăng, mấy mùa con nước cứ lớn lại ròng. Vậy đó, thời gian như nước líu ríu chảy qua mong chi ghị lại, và mùa nước năm nay, San đi lấy chồng.

San đi lấy thằng mà nó chưa một lần thương hay nhớ. Thằng này ở xóm trên, dịp đi coi tuồng lần trước, nó cứ chống xuồng bám theo San miết. San làm lơ mà nó cứ theo hoài. Nữa tháng sau nó nhờ người lại dạm ngõ, rồi hai bên người lớn ra chiều ưng thuận, cau trầu đưa đến thì là lúc nó phải theo chồng. Tía má nó chẳng buồn hỏi ý con mình ra sao? Lẽ thường, "áo mặc sao qua khỏi đầu".

Chiều nay, gió thổi lồng lộng, dưới mặt sông lục bình lập lờ trôi. San ngồi bó gối ở mé sông, nhìn đám lục bình bập bềnh theo sóng, nó nghĩ thầm: "Làm người sao mà khổ. Sống mà không tự do thì như đám bèo bọt kia, trôi đâu thì trôi, tấp đâu thì tấp, coi mòi còn sướng hơn nhiều. Khổ chi mà khổ dữ vậy trời?". Nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ quanh nghĩ quẩn, nó buồn cho phận đàn bà con gái. Nhứt là phận gái quê, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, dám hó hé tiếng nào. Nghĩ ngược nghĩ xuôi, nghĩ ngang nghĩ dọc... nghĩ sao cũng buồn, buồn thỉu buồn thiu, nước mắt xém rớt xuống áo cái độp thì nó nghe tiếng ai kêu nó khe khẽ:

- San ơi!

Nghe giọng quen quen, nó sợ người đó thấy nó khóc rồi buồn theo, nên nó kéo vạt áo chậm qua loa, cố soạn bộ mặt tươi tỉnh quay qua nhìn người ta cười:

- Chế, tới hồi nào hổng hay, nhém chút giật mình hà!

- Mới tới. Thấy San buồn hiu nên chưa dám gọi.

- Em với chế... có gì đâu mà ngại dữ vậy?

- Mốt San theo người ta dìa bên kia sông rồi hen?

- Ờ!

- San cũng tệ, sao cho... cho chế biết trễ vậy. Không kịp làm gì cho San mang theo mà về nhà chồng.

- Thôi, chi mà mắc công vậy chế. Gái có chồng như sáo sang sông, sợ nhìn kỷ vật rồi...

- Rồi sao hả San?

- Rồi nhớ đứt ruột mà đâu dám nói với ai.

Nói xong, hai chị em lặng thinh. Xem chừng xót dạ lắm nên không ai nói thêm được với ai lời nào. Nhà San với chế chung hàng rào dâm bụt. Không biết cái hàng rào đó có từ khi nào. Chỉ nhớ khi San biết lén má trốn ngủ buổi trưa, trèo cây hái trộm vườn nhà người khác, thì hàng rào đó bông dâm bụt lúc nào cũng đỏ chói như ngọn đèn thắp rực rỡ giữa cái nắng chói chang mùa hạ. Chế với San thân nhau từ tấm bé, lúc nhỏ San bám chế miết. Chế có gì cũng chia phần cho San. Thỉnh thoảng hai đứa chơi nhà chòi, nấu ăn chán quay qua bứt lá chuối dựng cái lều con con, thấp lè tè chơi trò chồng vợ. Ngặt nỗi xung quanh nhà không có thằng con trai làm vốn, nên chế với San thay nhau đóng vai vợ chồng. Lúc San là vợ, lúc San là chồng... nhưng San vẫn thích nhất làm vợ, để được chế vuốt tóc, được mỗi khi chế giả bộ đi làm về, thể nào cũng cho nó ít trái cây ăn vặt. Có hai đứa thôi, vậy mà trò chơi trẻ con chơi hoài không hết. Đến lúc mệt nhoài thì rúc vào cái lều bằng lá chuối mỏng te, ôm nhau ngủ. Nó ôm chế sát đeo, chế vuốt tóc nó, dỗ dành: "Vợ ngủ ngoan nha! Ngủ ngoan chồng thương! Hai mình thương nhau cả đời luôn vợ há!".

Ngờ đâu, lời nói của trẻ con ngày nào nay vận vào mình hai chị em San thật nghiệt ngã. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, qua luôn tuổi trăng rằm của San và chế, và tụi bạn sàng sàng trang lứa ngày nào cũng đã qua mặt cả hai chị em về khoản chồng con đùm đề. Đứa nào ít thì mới lấy chồng, đứa nào nhiều thì một hai đứa nhóc, còn có đứa "thôi nôi lôi đầy tháng", bồng mỏi tay vẫn không xuể. Năm tháng có qua đi, bao nhiêu biến cố xảy ra ngoài xã hội, nhưng dường như chưa đặt chân đến cái xóm nhỏ này bao giờ. Người dân trong xóm vẫn cười hình hịch thiệt thà, nắng trong xóm vẫn vàng ươm khắp ngỏ, nét yên bình vẫn ôm ấp nơi đây như người tình chung thủy, không bao giờ muốn lìa xa, ngăn cách. Thôn xóm yên lành, thế mà lòng của San nó nào chịu yên. Ngày nọ nhìn chế nghiêng nghiêng mái tóc bên nồi nước bồ kết phảng phất mùi lá bưởi, bờ vai thon thon trắng ngần của chế ửng hồng trong nắng sớm... sao nó thấy lòng mình chềnh choàng quá đỗi? Cứ như chiếc xuồng con đang lênh đênh giữa dòng, bất chợt gặp cơn sóng to làm lắc lư, chao đảo. Chế buông gàu, cười với nó:

- Qua hồi nào sao hông lên tiếng. Lấy dùm chế cái khăn. Hồi nãy gấp quá quên.

Nó te tái vào nhà lấy khăn cho chế, mà trong dạ rối bời bời chẳng hiểu lý do. Chế ngồi ngay hiên hóng nắng, hong tóc cho mau khô. Nó chàng ràng kế bên, tay chân thừa thải. Chế đưa nó cây lược, nhờ chải dùm mớ tóc hơi rối sau lưng. Nó lập cập chải từng nhát lược, chèn ơi, người gì đâu mà thơm hết sức. Nó vụng về đánh rơi lược, chế ngoảnh mặt nhìn nó:

- San nay sao vậy? Bình thường chải tóc cho chế có bị rơi lược bao giờ đâu? Hôm nay chế có gì lạ lắm hả?

- Hông. Đâu... đâu có gì đâu. Ừ, ừ.. mà có...

- Có gì?

- Hình như hôm nay chế đẹp hơn. San... San thấy vậy đó.

Nói xong câu đó, mặt nó đỏ ửng như người bị sốt cao. Ba chân bốn cẳng nó chạy lẹ về nhà, không dám ngoái lại nhìn thêm lần nào nữa. Kể từ ngày đó, sao đêm nào San cũng nằm mơ thấy chế. Thấy hai chị em cùng đi chợ, hay chống xuồng đi coi cải lương. Mà lúc nào cũng thấy khi đi về, xuồng đang lướt giữa dòng, nó lấy hết can đảm cầm tay chế rồi nói: "Em thương chế, thương dữ lắm! Nói chế biết... chớ đừng cười em nghen!" - rồi chế nắm lại tay nó, xiết nhè nhẹ: "Sao mà cười? Chế cũng thương San mà. Mình thương nhau hoài San há!". San nằm mơ riết mà như bị ám ảnh. Nhìn chế thấp thoáng bên bờ rào là trong đầu nó hiện ra mồn một cảnh nằm mơ. Vậy là chẳng nói chẳng rằng, chế vừa quay qua cười với nó, là cả người nó lại bồng bềnh như đang đi trên sóng.

Nói gì nói, nói dối còn dễ dấu, chớ lỡ yêu rồi sao dấu cho đặng bây giờ? Nhiều lúc ngồi nhìn lục bình trôi, San tự đặt cho mình hàng đống câu hỏi. Hỏi qua hỏi lại, hỏi tới hỏi lui, hỏi xuôi hỏi ngược, hỏi dọc hỏi ngang... hỏi cho tới cùng nó cũng không tự trả lời được tại sao nó yêu chế. Tình yêu kì lắm! Cứ nhè nhẹ, nhè nhẹ như cái lá non vừa nảy trên cành. Mình quên bẵng nó đi, tới chừng giật mình nhìn lại thì lá đã cứng cáp, xanh mướt bung mình giữa khoảng trời mênh mông. Hình như tình cảm San dành cho chế cũng vậy đó. Mới đầu tưởng nghĩ vu vơ, ai dè giờ ngồi nghĩ hoài cũng không biết là yêu tự khi nào. Chuyện trời thần hơn nữa, là chẳng biết chế để ý ra sao, mà biết nó thương mới ngộ chớ. Chế hẹn nó ra gốc dừa ngay mé sông, hỏi quanh co đủ chuyện, tới chừng chế nhìn thẳng vào mắt nó rồi nói gọn lỏn:

- Chế biết San thương chế mà. Có cần dấu vậy hông? Hông nói thì lỡ chế có thương San chế cũng đâu dám nói ra.

- Chế... chế... chế cũng... cũng thương San hả? - bỗng dưng nó lắp bắp hơn bị cà lăm.

- Chế hông biết. Mà... mà San có nói San thương chế bao giờ đâu. Lỡ... lỡ...

- Lỡ... lỡ gì... lỡ San... San thương thiệt rồi sao?

- Ờ, thì... thì phải nói vậy chế mới dám nói thiệt luôn chớ. Chứ nói ra mà San hông có tình cảm gì hết, mắc công San sợ chế... chắc... chắc chế bỏ nhà đi luôn.

- Bậy hà! Chế đi, San ở với ai?

Người thôn quê chân chất thiệt thà. Thì tỏ tình cũng thiệt thà có nhiêu đó thôi, nhưng đậm đà là đủ rồi, có phải hông?

Tía má hai đứa cứ giục lấy chồng. San nói câu làm ông bà chưng hửng: "Lấy chồng làm gì cho cực. Con ở vậy chẳng phải sướng hơn sao?" - rồi te te bỏ qua nhà rủ chế lấy cần câu kiếm mớ cá nấu bữa cơm chiều. Lúc về tới nhà, coi bộ ông già của San giận lắm, ổng đập bàn cái rầm, quát lớn: "Mày dám cãi lời tao tao từ mặt!". San không nói không rằng, bỏ qua nhà chế ở mấy ngày mấy đêm mới lú mặt về. Má của San cũng thương con gái, nhưng phận đàn bà sao dám cãi lời chồng? Phần vì thương con, bà cũng mong con mình mau yên bề gia thất để ông bà sớm có cháu ngoại ẵm bồng. Bữa hai chị em đang ngồi câu cá, chế hỏi San:

- Nếu tía ép San lấy chồng, mà San cãi không được, nghĩa là...

- Ờ... còn biết sao giờ? - San nói lạnh tanh, thể như hòn đá ném xuống nước kêu cái chủm rồi thôi.

- San theo chồng, còn chế... thì sao?

- Ông già em ổng nói vậy thôi. Chưa chắc ổng làm đâu, chế đừng lo. Tự dưng nói chi mấy chuyện buồn thiu vậy. Em thương chế, suốt cả đời em cũng thương mình chế. Có ép uổng, có bắt buộc được thân xác em, nhưng trái tim em yêu có chế thôi. Thằng nào lấy em, lấy được cái xác em, chớ sao lấy được cái hồn, cái tình yêu của em mà chế lại buồn, lại sợ?

- Chế biết. Nhưng...

- Thôi. Hổng có gì đâu. Chế buồn sao em vui cho nổi?

Thiệt tình thì San cũng nghĩ thế. Nào ngờ tía má của nó ép cho tới cùng. Giờ biết trốn đi đâu?

-----

Chế kéo vạt áo, chậm giọt nước mắt chưa kịp rơi. Nhìn cảnh ấy, San muốn đâm đầu xuống sông chết phức cho rồi. Sanh ra làm phận đàn bà sao khổ quá mạng. Bộ thương bộ yêu là có tội, có lỗi hay sao? Thương ai, yêu ai cũng được... miễn sao hạnh phúc được rồi. Con trai hay con gái có khác gì đâu? Ông trời ổng bày chi chuyện nam nữ mà khổ biết bao nhiêu người. Đàn ông yêu đàn bà, cũng gọi là yêu. Thì giờ nó với chế, đàn bà với đàn bà, yêu nhau cũng gọi là yêu, có gọi bằng cách khác đâu? Có gọi bằng cách nào làm người ta kinh sợ đâu? Mà cứ phải dấu nhẹm đi! Giờ nó phải theo chồng, lòng nó tứ bề tan nát hết mong chắp vá, quay qua nhìn người nó yêu nước mắt lả tả, nó muốn cắn lưỡi hay làm gì đó tắt thở liền ngay lập tức. Trớ trêu, chữ Hiếu nó chưa tròn, chữ Tình thì nợ oằn vai... nợ ngập đầu, chết sao yên?

- Mốt chế qua làm phụ dâu. Không phải chế, em không cho ai làm đâu. Nhớ nha chế!

- San... em ác với chế quá! Chế làm sao nhìn được cảnh em theo người xa lạ. Nếu bây giờ đổi được cái mạng này mà mình bên nhau hoài, chế làm liền cho em coi.

- Thôi mà. Chế... chế đừng vậy. Giờ em sống không được, chết không xong. Em cũng nát cả cõi lòng rồi đây. Chế có thương em, có yêu em... chế sống cho mạnh mẽ, mình còn lúc gặp lại nhau. Biết đâu qua bển, thằng đó nhắm không ưng em nổi nữa, em cuốn đồ về liền. Em theo nó lần này là vì chữ Hiếu, chớ không vì vậy, em dọn đồ qua ở với chế cả đời.

Gió sông lồng lộng. Mùi thanh thanh của con nước lớn quyện vào màu tím của khói lam chiều, sao mà buồn tê tái... Chế tựa đầu vào vai San, nắm tay nó thật chặt, chế tự hỏi lòng biết giận ai bây giờ? Giận San? Giận mình là đàn bà? Hay giận người lớn ép uổng duyên con trẻ? Hay giận trời già khéo sắp đặt chuyện trớ trêu? Giận ai đây? Giận cái gì cho vừa lòng hả dạ? Muốn lắm, muốn giận lên bừng bừng để chế chạy liền về nhà, xách cây dao phai chém bừa chém bãi, chém cho hết nỗi đau tình đang cắn xé trong tim. Muốn lắm, muốn giận lắm... mà sao giận không đành. Giận làm sao khi mai này đây, người chịu khổ lại là người con gái chế hết dạ thương yêu. Lúc ấy, sống bên chồng, em có hạnh phúc gì không, em hỡi!?

Hai người cứ ngồi cho đến khuya, trăng sáng vằng vặc soi mình xuống mặt sông. Trăng đêm nay, sao mờ mịt màu mây xám?
 
Ngày mai San về nhà chồng. Chiều đó chế rủ nó chống xuồng đi dọc bờ sông hóng mát. Đi ngang cụm lục bình, chế với tay bứt chùm hoa lục bình tim tím, đặt vào tay San, giọng rưng rưng:

- Ở bên đó, thấy màu hoa này, nhớ chế nghen em!

- ................ - San lặng thinh, màu hoa biêng biếc của lục bình làm mắt nó cay quá sức.

Đàn trai qua sớm. Lạy tổ tiên xong, San bước lên xuồng hoa. Xuồng từ từ tách bến trong tiếng reo hò chúc mừng của hai họ, chống từ từ dọc theo bờ sông trước khi bắt theo con nước ra giữa dòng. San tê tái nhìn theo bóng người chạy miết trên đê, như muốn lưu luyến hình bóng nó đến tận giây phút sau cùng. Có cụm lục bình trôi theo xuồng cô dâu chú rể, trên cụm lục bình, màu mang mác của cánh hoa như nhát dao cắt lòng người con gái trong buổi vu qui.
 
Một năm sau,

San về nhà. Trên tay bồng thằng cu chắc lụi. Tía má chưng hửng:

- Chồng mày đâu?

- Không ở được, sắp bỏ nhau rồi! - San trả lời ráo hoảnh, lạnh tanh. Không chờ xem phản ứng của người lớn, San bước nhanh qua bờ rào, đi thẳng vào nhà tìm kiếm dáo dác.

Có tiếng đổ vỡ.

- Em về rồi! - giọng San gọn lỏn.

- Em... em... chế... chậc, chế hư quá, làm... làm bể cái tô rồi. Em về chừng nào em đi?

- Về luôn. Em về với chế, không đi đâu nữa hết. Em yêu ai thì về với người đó thôi. Có đứa con, em tròn chữ Hiếu với tía má rồi.

- Em... em sẽ không đi đâu nữa, thiệt... thiệt hông?

- Thiệt... mình bên nhau hoài luôn, chế há!

- Ừ, mình.... mình... mình thương... thương nhau hoài luôn, nha em!

Nghe đâu, một mùa nước nữa lại sắp về...
 

1 nhận xét:

  1. Truyện có phần "châm chước" trong quyết định sống của mỗi người.
    Mình thích giọng mộc mạc dân dã ghê! Thiệc là dễ xương! ^^
    Juliette.

    Trả lờiXóa