"Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly..."

(Marco 10:9)

29 tháng 10, 2009

Chợt một lần tôi đi thật chậm...



Tác giả: khoanhkhacvothuong_hxr (Jackie Văn)

Hoàn thành: 29/10/2009

Chợt một lần tôi đi thật chậm, và lơ đãng ngó dọc xuyên suốt con đường, bỗng thấy hồn chợt hóa chông chênh...

Chông chênh trong sự ồn ào của Sài Gòn nhộp nhịp và huyên náo. Tôi chông chênh khi thấy hai nữa mình đang bước đi trên hai đại lộ khác nhau của hai đất nước cách nhau hàng ngàn hải lý. Nữa bên trái, trái tim thổn thức nhịp đập của người con đất Việt, dù đi xa trăm năm vẫn muốn quay về. Nữa bên phải, lý tưởng, niềm tin và sức mạnh đang khập khiễng nơi đảo quốc Sư Tử. Hòn đảo đã chấp cánh cho ước mơ tuổi trẻ tung cánh vút bay thật nhanh và thật cao. Ôi... tôi chông chênh giữa tình yêu và lý tưởng. Tôi yêu cả hai đất nước - tôi muốn hòa mình vào lối sống tất bật, hiện đại bậc nhất ở Singapore - nhưng tôi lại không chối bỏ được mình luôn thuộc về Việt Nam, nơi có Ba, có Mẹ, có người tôi thương...

Tôi bước thấp bước cao trên vỉa hè trám loang lổ thứ hỗn hợp, mà tôi đoán không nhầm thì trước khi nó đông đặc, xi măng là cái gì đó rất ít ỏi nằm bên cạnh cát. Chỗ vênh chỗ vẹo, chỗ sứt chỗ mẻ, tôi bập bênh giữa hai chân. Một chân đang cố né vết hổng, một chân bước vững vàng trên vỉa hè vững chãi lác đác lá vàng. Mỗi nét vỉa hè để lại trong tôi một ấn tượng lạ, phải, rất lạ!

Tôi xông xênh đi trong nắng vàng, đạp lên lá khô rơi rào rạt trên con đường nho nhỏ nép mình thật sát đại lộ của Singapore. Tất cả chỉ gói gọn trong từ xanh, sạch và đẹp. Những trạm buýt rực rỡ sắc màu như điểm xuyết chút tươi tắn cho không gian thật xanh, thật vàng của đảo quốc được mệnh danh là sạch sẽ nhất hành tinh. Nhưng... vì xông xênh, vì cơ sở hạ tầng vững chãi, nên con người nơi đó sao đi quá nhanh, quá vội vàng - dù họ đi lẻ loi hay đi cùng một nhóm. Họ đi nhanh, rất nhanh như thể chỉ cần đến nơi chậm vài giây thôi, những dự án bạc tỷ sẽ trôi thành sông thành biển. Họ bước đi nhanh, nhanh đến mức không kịp nhận ra, liệu người đang đi ngược hướng với mình có phải là người quen nào đó chăng? Tôi từng đi như thế, từng hòa mình vào cái tất bật như thế. Để khi bước chậm rãi trở về, chợt thấy mình vô tình đã vội bỏ mất...

- Bỏ mất một thảm cỏ xanh lác đác lá rụng đầy. Vài tia nắng xiên xiên, soi dọc hàng cây, ngỗ nghịch đùa cùng bước tôi đi.

- Bỏ mất ánh mắt của bà cụ, thật già, ngồi khắc khoải bên giỏ khăn giấy thật to - chờ mong chút lòng trắc ẩn của người đi đường để có tạm miếng cơm manh áo đắp đổi qua ngày.

- Bỏ mất con kênh nho nhỏ bắc ngang chiếc cầu, lững lờ trôi khi trời đã về đêm. Mà biết đâu một phút dừng lại, tôi sẽ được cơn gió ưu ái cuốn đi sự khắc khoải của nỗi lòng người con xa xứ.

- Bỏ mất lúc tình cờ gặp lại người quen, vừa lướt qua nhau miệng vừa ồ à nhớ ra... hình như, người đó quen thật, quen thật chứ chẳng chơi!

- Bỏ mất và lạc mất...

Vì... có lẽ vì tôi vô tình đi vội, để lại trong tim nỗi xốn xang muôn đời mỗi khi gợi nhớ. Mỗi giây phút đi qua, chỉ đi qua một lần. Mỗi khoảnh khắc ập đến, không lặp lại lần hai. Không, và không bao giờ nữa nhé! Từ ngày ấy, tôi cố tập cho mình đi chậm, và chậm lại hơn nữa trong guồng quay cuộc sống, đi chậm lại hơn nữa trong tấm lòng dành cho vạn vật xung quanh.

Ngày hôm nay tôi đi chậm, bỗng ngày hôm nay tôi muốn đi thật chậm...

Tôi đi chậm trên vỉa hè loang lỗ và đông đúc của đất Mẹ. Tôi mông lung nhìn và mông lung nghĩ...

- Vỉa hè bấp bênh, có phải vì thế, mà giúp mình kềm giữ từng bước chân đi. Để nhận ra rằng, từng quãng đường mình đã bước qua, người Việt Nam đi qua nhau rất gần gũi - dù đi một mình, hay đi cùng nhau.

- Nơi đây vài chú honda ôm tập trung, đánh cờ rôm rả.
- Xa xa vài hàng nước bày ghế vỉa hè, nhiều người túm tụm. Họ nhìn nhau, trò chuyện cùng nhau - dù đã quen lâu, hay là mới gặp mặt.

Tôi bước đi qua hai miền tối sáng, trong bức tranh toàn diện của sự văn minh hai đất nước.

Tôi chợt nhận ra....

- Ở đất nước nào cũng còn những bước đi khó nhọc, kẽo kẹt quang gánh trên vai. Những người bán hàng rong, có lẽ không như tôi - kẻ quá ư rảnh rỗi, đi chậm rãi ngó nghiêng mọi người, họ bước đi nặng nhọc. Cái nhìn nặng trĩu theo từng nhịp gánh đung đưa nếu hàng hóa còn đầy hai bên. Bất chợt tôi nhớ đến Mẹ của người bạn - người Mẹ mà tôi chỉ dám hình dung qua lời bạn kể - người Mẹ gánh từng gánh vỏ dừa, chắt chiu đồng bạc lẻ nuôi nấng, vun đắp ngày mai cho đứa con thơ. Nét khó nhọc còn mãi in hằn trên thân thể giờ đã già nua. Và tôi nhớ đến Mẹ tôi, Mẹ gánh cả gia đình, đưa tôi vào đời - chắp cánh cho tương lai tôi đi xa và rất xa qua từng đường kim mũi chỉ. Sự mệt mỏi của Mẹ đã kịp in hằn lên đuôi mắt mỗi khi Mẹ cười. Gánh nặng của đời Mẹ, che chở cả cuộc đời con.

- Ở đất nước nào cũng đầy sự âu lo. Tôi bước trên hành lang bệnh viện, những gương mặt thấp thỏm, những khuôn mặt lo âu, những cặp mắt đau đáu, khắc khoải mong tin người thân trong phòng cấp cứu. Tôi bước ra cổng bệnh viện, người người tụ tập. Kẻ cười người nói. Kẻ khóc người cười. Gánh hàng rong là thứ rẻ mạt so với cấp thượng lưu, không đáng nghé mắt đến. Nhưng cũng quanh gánh hàng rong đó, người nghèo vây quanh, họ ăn trong sự ngon lành, sảng khoái. Bỗng dưng sao tôi ghét dãy nhà hàng sang trọng kia quá sức! Cao lương mỹ vị và người giàu - một bữa ăn của họ đánh đổi có khi, bằng cả trăm bữa ăn của người khốn khó quanh gánh hàng rong.

- Ở nơi nào, chỉ cần mình hài lòng với cuộc sống hiện tại, nơi đó sẽ có Hạnh Phúc. Hôm nay, có lẽ vì đi chậm, vì hít thở cái bầu không khí đầy khói xe, cái đầu tôi tự dưng trở chứng sáng suốt mà nhớ nhiều thứ. Tôi nhớ đến Chị của tôi - người Chị tôi hết lòng quý mến - đang sống trong nhung gấm lụa là, trong tòa nhà cao đầy đủ tiện nghi, vậy mà luôn cô đơn khắc khoải trong sự giàu sang. Và tôi nhớ đến gia đình nhỏ ngồi kế tôi trong tiệm ăn bình dân. Người chồng, người vợ nét khắc khổ của dân lao động và hai đứa con nhỏ vô tư bi bô. Cha chăm con, vợ chăm chồng, hai đứa bé giành ăn lẫn nhau trong tiếng đùa vui không dứt. Người Cha hạnh phúc chìu theo đứa con bé bỏng. Người Mẹ dỗ dành hai đứa con thơ. Tôi thoáng chốc xúc động khi nghe bé bi bô nói qua điện thoại, bé khoe với ai đó với giọng hết sức hân hoan: "Con đi ăn sinh nhật của Ba con, vui lắm!". Một bữa ăn chưa bằng một phần mười bữa ăn trong nhà hàng tôi đi sinh nhật cùng Chị. Vậy mà trong ánh mắt chị luôn làm tôi day dứt bởi sự trống rỗng và cô đơn. Và tôi lại nhớ... lâu lắm, rất lâu tôi không còn một bữa tiệc sinh nhật tuy đơn sơ, nhưng ấm cúng cùng gia đình, người thân. Tôi đi chậm qua đời người khác, và lướt nhanh qua đời những người bạn tôi vào ngày trọng đại đó (đối với tôi). Hình như lâu lắm rồi, gia đình tôi trong bữa cơm đầy thịt và cá, nhưng... không hiểu sao không ngon miệng bằng mâm cơm nghèo nàn, ngồi bên ánh đèn dầu như ngày tôi còn là đứa con nít ngây ngô.

- Trong dòng xe cộ tấp nập, vẫn còn vòng quay rất đều, rất êm của xe đạp. Trên con đường rộng lớn của Singapore, xe đạp được quyền chạy trên vỉa hè. Họ đạp nhanh và vội vã. Trên con đường đen nghịt xe cộ của Việt Nam, xe đạp e dè khuất mình sau những chiếc xe phun khói mù mịt. Tôi kịp thu vào góc nhìn của riêng mình chiếc xe đạp Trung Quốc cũ kỹ, người Mẹ đạp từng vòng quay đón con học về. Một nốt lặng rất lạ trong bản nhạc dở tệ được tấu bằng tiếng xe và tiếng kèn inh ỏi. Chiếc xe đạp đi vào ký ức của tôi qua những ngày bé tí, ngồi phía sau ôm eo Mẹ thật chặt để Mẹ chở đi mua ít quà bánh, hay Mẹ con cùng nhau đi dạo mỗi khi về chiều. Ngày đó nghèo quá, xe đạp là xe mượn đấy, nhưng tôi biết rằng - dù là thứ tình cảm nào, thiêng liêng của tình mẫu tử, hay cao quý của tình yêu, vẫn là tình cảm chân thật. Chứ không như bây giờ, xe máy, xe hơi, xe sang trọng, xe mắc tiền... tuy nhiên, tình cảm lại lùi dần về khái niệm 'vay mượn'. Họ 'vay mượn' tình cảm lẫn nhau để đánh đổi bằng thứ vật chất tầm thường. Giờ đây, mỗi khi về nhà, con chở Mẹ trên chiếc xe tay ga mắc tiền, tiếng chạy êm và khói xe cũng thơm hơn các loại khói khác, vòng vèo qua các con đường, Mẹ và con cùng nhau tâm sự. Rồi Mẹ sẽ hỏi tôi con thích ăn món gì, nhà hàng nào, thứ trái cây nào... rồi Mẹ sẽ mua thứ ngon nhất, mắc nhất cho tôi. Nhưng sao tôi lại thấy thiêu thiếu gì đó. Thiếu đi cái 'ngon' của việc được ôm Mẹ, được Mẹ đạp từng vòng thảnh thơi, dù không phải nhà hàng, không phải thứ đồ ăn ngon nhất... bù lại, tôi được ôm Mẹ, được Mẹ thủ thỉ tâm tình. Điều mà cả quãng đời trưởng thành, tôi cố chạy thật xa Mẹ để rồi đánh mất.

- Và bước đi quá chậm, nên tôi chạnh lòng sao Việt Nam mình còn nghèo quá. Người giàu cố thủ trong khu nhà giàu. Người nghèo khó tràn lan khắp mọi ngã đường. Mà sao nghèo là thế... nhưng ăn nhậu dữ dằn là thế. Không một ngõ ngách nào thiếu đi quán cà phê. Không ngõ ngách nào thiếu đi quán nhậu. Không thiếu, mà thừa nữa là khác. Quán nhậu san sát nhau, cạnh tranh, cò kè, so bì lẫn nhau về lượng khách. Bia rượu tuôn như suối, dù có thể tiền không đủ mà ăn. Nghèo cả sự bênh vực cho người phụ nữ. Bao nhiêu cuộc bạo hành nữa, bao nhiêu việc chồng giết vợ, cha đánh đập con nữa.... để chính quyền phải đi chậm lại, mà có cái nghĩ, biện pháp thiết thực hơn mà giành lại quyền lợi cho phái yếu - cái phái mà thiếu họ, không biết mấy ổng chui từ đâu ra.

- Cuối cùng, tôi bước chậm hơn một bước, để buồn cho thân phận người Đồng Tính ở Việt Nam. Tôi mạn phép trích ý của Lynn (diễn đàn Asianlabrys), đại khái như sau: 'trong khi bao nhiêu nước trên thế giới đang đấu tranh cho quyền lợi, cho kết hôn Đồng Giới. Thì tại Việt Nam, người Đồng Tính chúng ta lại mãi loay hoay, dằn vặt, khổ sở, khốn đốn trong vấn đề Lộ Diện'.

Xin ngỏ lời cám ơn dòng đời vội vã, đã khiến tôi chạnh lòng nhìn lại và rút ngắn khoảng cách của bước chân. Từ đó có cơ hội nhìn nhận, và tự vấn nhiều mặt... mà do buông lơi theo dòng sông cuộc sống, rất nhiều lần tôi tự mình lãng quên.

Lúc này đây, giữa tôi và...., tôi đã hiểu: "Em vô tình đi chậm lại - vì sự sắp xếp từ đấng Thiêng Liêng, khiến chúng mình chẳng thể lướt qua nhau...."

Cám ơn cuộc đời, cho tôi một lần chậm lại...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét